Tư vấn hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh giáo dục

390

Câu hỏi: Tôi là Hoàng. Qúy công ty cho tôi hỏi: Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì phải xin thêm giấy phép nào khác không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì phải được cấp thêm một loại giấy phép khác: Giấy phép hoạt động giáo dục. Theo khoản 1 Điều 45 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thì cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động giáo dục sau khi được cấp Giấy phép hoạt động giáo dục.

Thời hạn để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ:

-Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: tối đa 03 năm (đủ 36 tháng) kể từ ngày được cấp Quyết định cho phép thành lập;

-Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trung tâm dạy nghề, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông: tối đa 02 năm (đủ 24 tháng).

Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục gồm:

– Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục;

-Bản sao có chứng thực Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục, đồng thời gửi kèm hồ sơ đề nghị cho phép thành lập hoặc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục;

-Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục;

-Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện;

-Báo cáo giải trình về việc đáp ứng điều kiện của cơ sở giáo dục (vốn đầu tư, cơ sở vật chất thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo); đồng thời gửi kèm:

+ Danh sách Hiệu trưởng (Giám đốc), Phó Hiệu trưởng (Phó Giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng;

+ Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng);

+ Cấp học, trình độ đào tạo, ngành, nghề đào tạo;

+ Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;

+ Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;

+ Quy chế đào tạo;

+ Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên);

+ Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;

+ Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo;

+ Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.

+ Giấy tờ liên quan đến thủ tục mở ngành theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp phải làm thủ tục mở ngành.

Nơi nộp hồ sơ:

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục đại học: Bộ Giáo dục và Đào tạo;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của trường cao đẳng nghề: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của những cơ sở này; trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp học trung học phổ thông); cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên Chính phủ đề nghị cho phép thành lập; trường trung cấp chuyên nghiệp và phân hiệu của những cơ sở này: Sở Giáo dục và Đào tạo;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó không có cấp học trung học phổ thông): Phòng Giáo dục và Đào tạo;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và phân hiệu của những cơ sở này: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Thời hạn: Trong vòng 20 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành thẩm tra. Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm tra, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ra văn bản trả lời. Nếu nhà đầu tư chưa đủ điều kiện được thành lập cơ sở giáo dục thì sẽ từ chối và nêu lý do.

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành của S&B Law sẽ trả lời biên tập viên Thành Phương về các vấn đề xoay quanh việc thành lập doanh nghiêp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam: