Tính chất pháp lý của quy định Khuyến mại 20% trong dịch vụ viễn thông

465
Nhận lời mời của Ban biên tập báo Diễn đàn doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đx có phần trả lời về Tính chất pháp lý của quy định Khuyến mại 20% trong dịch vụ viễn thông.

Nhận lời mời của Ban biên tập báo Diễn đàn doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đx có phần trả lời về Tính chất pháp lý của quy định Khuyến mại 20% trong dịch vụ viễn thông.

Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn:

1/Việc quy định ở Thông tư mức khuyến mại không quá 20% có trái Luật và Nghị định?

Trả lời:

 Theo Thông tư 47/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hóa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động; hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động, phải đảm bảo không vượt quá 20% (đối với thuê bao trả trước) và không vượt quá 50% (đối với thuê bao trả sau). Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Khoản 4 Điều 94 Luật Thương mại năm 2005 có quy định:

“Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại”.

Hướng dẫn quy định này, Điều 5 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại đã quy định về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại thì:

“1. Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá trị của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại ….”.

Điều 4 Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định như sau:

“1. Mức giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị loại hình dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động của thuê bao dịch vụ thông tin di động trả trước không được vượt quá 20% giá của đơn vị loại hình dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại.

  1. Mức giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị loại hình dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động của thuê bao dịch vụ thông tin di động trả sau không được vượt quá 50% giá của đơn vị loại hình dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại …”.

Thực sự, quy định này cũng thật sư chưa rõ ràng, tôi hiểu là quan điểm của cơ quan soạn thảo từ Bộ Thông tin truyền thông cho rằng quy định của Thông tư số 47 không hề trái luật và nghị định vì “không được vượt quá 20%” vẫn nằm trong phạm vi “không được vượt quá 50%”.

Theo quan điểm cá nhân tôi, trong Nghị định là văn bản do Chính phủ ban hành, có hiệu lực cao hơn Thông tư do Bộ ban hành, trong Nghị định đã nêu cho phép doanh nghiệp có quyền khuyến mại tối đa không quá 50% nhưng Thông tư lại giới hạn lại không quá 20%, như vậy là Thông tư chưa phù hợp với Nghị định quy định trực tiếp về vấn đề này.

2/ Theo ông, sự ra đời của thông tư này có hạn chế được tình trạng sim rác hay chỉ “làm lợi” cho các nhà mạng?

Trả lời: 

Đây không phải là lần đầu mức khuyến mãi tối đa cho thuê bao trả trước bị siết chặt. Thời điểm bùng nổ của viễn thông di động, mức khuyến mãi cho thuê bao trả trước được thả nổi và từng lên tới 200% tại nhiều nhà mạng, sau đó bị siết về 50% để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng tình trạng sim rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác vẫn còn. Với lý do này, các nhà mạng tiếp tục giảm mức khuyến mãi xuống còn 20%. Nhưng theo tôi, việc giảm mức khuyến mãi xuống còn 20% cũng khó có thể hạn chế được tình trạng sim rác.

 Một bất cập nữa của thông tư này là chủ thuê bao trả trước hay chủ thuê bao trả sau đều là khách hàng, họ đều phải đăng ký thông tin, đều phải trả tiền để sử dụng dịch vụ nên phải được đảm bảo quyền lợi công bằng theo quy định của pháp luật. Việc khống chế khuyến mãi của các mạng để gây sức ép người dùng chuyển qua sử dụng thuê bao trả sau không phải là cách quản lý tốt, mà nó đi ngược lại với cơ chế thị trường. Thu hút người dân sử dụng thuê bao trả sau không thể bằng kiểu “ép” thế này, mà cần có giải pháp căn cơ hơn, đảm bảo tính minh bạch, dịch vụ tốt hơn đối với thuê bao trả trước.

Vì vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, Bộ Thông tin truyền thông nên kiểm tra, rà soát lại các quy định của Thông tư 47 và Cục kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ Tư Pháp cũng nên có ý kiến về tính hợp lý, hợp pháp của văn bản này. Đây thực sự là một cách làm cầu thị và lắng nghe ý kiến của người dân.