Tìm hiểu vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

686

Theo Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm 03 nhóm hành vi. Cụ thể như sau:

1. Chỉ dẫn sai về đối tượng, yếu tố được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

2. Chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

a. Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý:

Là việc sử dụng thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó tuy đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ, ví dụ:

– In trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ như: “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của… ”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);

– In trên sản phẩm, bao bì sản phẩm chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm được bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp như: “sản phẩm được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp”, “sản phẩm được bảo hộ độc quyền sáng chế”, “sản phẩm được sản xuất từ quy trình được bảo hộ sáng chế của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ “P” hoặc “Patent” cùng các chữ số (chỉ dẫn về việc sản phẩm được cấp Patent – Bằng độc quyền sáng chế).

b. Hành vi chỉ dẫn sai về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:

 Là hành vi chỉ dẫn không đúng về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nằm ngoài phạm vi bảo hộ của văn bằng.

3. Hành vi chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

Hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên sản phẩm hàng chữ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự như vậy, bất kể bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, nhưng trong thực tế chưa được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên sản phẩm, phương tiện dịch vụ tương ứng chỉ dẫn về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan nếu sản phẩm, dịch vụ được thực hiện theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và việc ghi chỉ dẫn đó là bắt buộc theo quy định pháp luật.