Thủ tục thực hiện tại Việt Nam đối với các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

337
dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

1.      Thẩm quyền phê duyệt, cấp và điều chỉnh GCNĐT

– Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận đầu tư đối với các dự án thuộc các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, tài chính, tín dụng, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có sử dụng vốn nhà nước từ 150 tỷ đồng Việt Nam trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

Dự án đầu tư ngoài các lĩnh vực trên, có sử dụng vốn nhà nước từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên, hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 600 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, và các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài khác.

2. Quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện theo quy trình đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam; Quy trình thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

1. Quy trình đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đầu tư

– Hồ sơ dự án đầu tư gồm:

1) Văn bản đăng ký dự án đầu tư.

2) Bản sao hợp lệ của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương đối với nhà đầu tư là tổ chức; hoặc Giấy chứng minh nhân dân/ hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân Việt Nam;

3) Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc hợp tác đầu tư đối với dự án đầu tư có đối tác khác cùng tham gia đầu tư;

4) Văn bản đồng ý của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng cổ đông hoặc đại hội xã viên về việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với trường hợp nhà đầu tư là Công ty TNHH, Công ty HD, Công ty CP, hoặc HTX trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Nhà đầu tư nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư 03 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự án đầu tư, trường hợp có nội dung cần phải được làm rõ liên quan đến hồ sơ dự án đầu tư, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đề nghị nhà đầu tư giải trình về nội dung cần phải được làm rõ.

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Trường hợp hồ sơ dự án đầu tư không được chấp thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

2. Quy trình thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư

– Hồ sơ dự án đầu tư gồm:

1) Văn bản đề nghị thẩm tra dự án đầu tư.

2) Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương đối với nhà đầu tư là tổ chức; hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân Việt Nam;

3) Văn bản giải trình về dự án đầu tư gồm các nội dung sau: mục tiêu đầu tư; địa điểm đầu tư; quy mô vốn đầu tư; nguồn vốn đầu tư; việc sử dụng lao động Việt Nam (nếu có); việc sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam (nếu có); tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

4) Hợp đồng hoặc bản thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư đối với trường hợp có đối tác khác cùng tham gia đầu tư.

5) Văn bản đồng ý của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng cổ đông hoặc đại hội xã viên về việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với trường hợp nhà đầu tư là Công ty TNHH, Công ty HD, Công ty CP, hoặc HTX trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Nhà đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư 08 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự án đầu tư và tiến hành thẩm tra dự án đầu tư về:

 

1) Điều kiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản  3 Điều 4 Nghị định 78/2006/NĐ-CP.

2) Tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

3) Tính hợp pháp của vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

4) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

– Quy trình thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện như sau:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ dự án đầu tư gửi các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được hỏi ý kiến tiến hành thẩm tra hồ sơ dự án đầu tư và có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; quá thời hạn trên mà cơ quan được hỏi không có ý kiến bằng văn bản thì được coi là đã chấp thuận hồ sơ dự án đầu tư đối với những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.

– Đối với các dự án đầu tư cần có phê duyệt của Thủ tướng, trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ý kiến thẩm định bằng văn bản kèm theo hồ sơ dự án đầu tư và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của  Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

– Đối với các dự án đầu tư khác, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

– Giấy chứng nhận đầu tư được sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Trường hợp hồ sơ dự án đầu tư không được chấp thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

Quy trình điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư

Khi có nhu cầu điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư liên quan đến mục tiêu đầu tư, quy mô dự án đầu tư, vốn đầu tư, chủ đầu tư, nước tiếp nhận dự án đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư thì nhà đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy trình sau:

1. Quy trình đăng ký, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư

Áp dụng đối với các trường hợp:

a) Nội dung điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư không liên quan đến quy mô vốn đầu tư và lĩnh vực đầu tư;

 

b) Nội dung điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư không liên quan đến lĩnh vực đầu tư phải thẩm tra, và tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm không lớn hơn 15 tỷ đồng Việt Nam.

 

– Hồ sơ dự án đầu tư gồm:

1) Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

2) Hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và hồ sơ pháp lý của đối tác mới tham gia dự án đầu tư (nếu có chuyển nhượng vốn đầu tư).

3) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư.

4) Văn bản đồng ý của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng cổ đông hoặc đại hội xã viên về việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với

nhà đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty hợp danh hoặc Công ty cổ phần hoặc hợp tác xã trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã.

5) Báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư cho đến thời điểm nhà đầu tư có văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

– Nhà đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư 03 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc.

– Trường hợp có nội dung liên quan đến hồ sơ dự án đầu tư cần phải được làm rõ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đề nghị nhà đầu tư giải trình về nội dung cần phải được làm rõ.

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Trường hợp hồ sơ dự án đầu tư không được chấp thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

2. Quy trình thẩm tra, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư 

 Áp dụng đối với các trường hợp còn lại. Hồ sơ dự án đầu tư gồm

1) Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

2) Văn bản giải trình về đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư

3) Hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và hồ sơ pháp lý của đối tác mới tham gia dự án đầu tư (nếu có chuyển nhượng vốn đầu tư).

4) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư.

5) Văn bản đồng ý của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng cổ đông hoặc đại hội xã viên về việc đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp nhà đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty hợp danh hoặc Công ty cổ phần hoặc hợp tác xã trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã.

6) Báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư cho đến thời điểm nhà đầu tư có văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

– Nhà đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư 06 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ dự án đầu tư gửi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được hỏi ý kiến tiến hành thẩm tra hồ sơ dự án đầu tư và có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; quá thời hạn nêu trên mà cơ quan được hỏi không có ý kiến bằng văn bản thì được coi là đã chấp thuận hồ sơ dự án đầu tư đối với những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.

3. Các trường hợp điều chỉnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải  trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

1) Điều chỉnh dự án đầu tư về lĩnh vực đầu tư hoặc quy mô vốn đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng.

2) Điều chỉnh về lĩnh vực đầu tư hoặc quy mô vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư mà sau khi điều chỉnh, dự án đầu tư đó thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

– Đối với các dự án đầu tư quy định tại mục này, trong thời hạn 25 ngày làm việc,

kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ý kiến thẩm định bằng văn bản kèm theo hồ sơ dự án đầu tư và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.

3. Các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đối với các dự án đầu tư không quy định phải trình Thủ tướng, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.

– Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh được sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Trường hợp hồ sơ dự án đầu tư không được chấp thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

– Trường hợp dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư vào chính dự án đầu tư đó thì phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

– Trường hợp dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để đầu tư vào dự án khác ở nước ngoài thì phải được Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án khác đó.

Đăng ký lại dự án đầu tư ra nước ngoài

Nhà đầu tư không phải đăng ký lại đối với dự án đầu tư đã có Giấy phép đầu tư hoặc văn bản cho phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trước ngày Nghị định 78/2006/NĐ-CP có hiệu lực.

Trường hợp có nhu cầu đăng ký lại, nhà đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư 03 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc. Hồ sơ dự án đầu tư gồm:

1) Văn bản đề nghị đăng ký lại dự án đầu tư

2) Báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư cho đến thời điểm nhà đầu tư có văn bản đề nghị đăng ký lại dự án đầu tư.

3) Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư hoặc văn bản cho phép đầu tư ra nước ngoài.

– Khi làm thủ tục đăng ký lại theo đề nghị của nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi vào Giấy chứng nhận đầu tư các quyền lợi và ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật.

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay thế Giấy phép đầu tư hoặc văn bản cho phép đầu tư đã được cấp trước đó.  

Triển khai thực hiện dự án đầu tư 

1. Thông báo thực hiện dự án đầu tư

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải có văn bản thông báo thực hiện dự án đầu tư kèm theo bản sao văn bản chấp thuận dự án đầu tư hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

Văn bản thông báo thực hiện dự án đầu tư gồm các nội dung sau:

1) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kinh tế ở nước ngoài; tên, địa chỉ chi

nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).

2) Mục tiêu đầu tư, lĩnh vực đầu tư.

3) Vốn đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài; phần vốn tham gia của nhà đầu tư.

4) Thông tin về người đại diện nhà đầu tư và người đại diện tổ chức kinh tế ở nước ngoài gồm: họ, tên, địa chỉ thường trú (tại Việt Nam và tại nước ngoài), chức vụ, số chứng minh thư nhân dân hoặc số hộ chiếu.

Trường hợp có sự thay đổi về các nội dung này, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi, nhà đầu tư có văn bản thông báo về nội dung thay đổi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Báo cáo thực hiện dự án đầu tư

Hàng năm, trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư có văn bản báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư kèm theo báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

3. Thời hạn triển khai dự án đầu tư

– Quá thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà dự án đầu tư không được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận, hoặc quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận mà dự án đầu tư không được triển khai thì nhà đầu tư phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị kéo dài thời hạn triển khai dự án đầu tư hoặc đề nghị chấm dứt dự án đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kéo dài thời hạn triển khai dự án đầu tư hoặc văn bản đề nghị chấm dứt dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc kéo dài thời hạn triển khai dự án đầu tư hoặc chấp thuận chấm dứt dự án đầu tư, đồng thời gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

Việc gia hạn triển khai dự án đầu tư được thực hiện không quá 02 lần, mỗi lần không quá 06 tháng.

Thanh lý dự án đầu tư ra nước ngoài.

Ngay sau khi kết thúc dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc việc thanh lý dự án đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển về nước toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư.

Trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn thanh lý, nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị và nêu rõ lý do gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện một lần và không quá 06 tháng.

Chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

Giấy chứng nhận đầu tư chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

1) Hết thời hạn quy định ghi tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hết thời hạn đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

2) Quá thời hạn triển khai dự án theo quy định mà dự án đầu tư không được triển khai.

3) Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

4) Nhà đầu tư bị phá sản hoặc giải thể dẫn tới việc phải giải thể tổ chức kinh tế ở nước ngoài hoặc phải chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

5) Quá 12 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư mà nhà đầu tư không có văn bản báo cáo về tình hình hoạt động của dự án đầu tư.

6) Nhà đầu tư vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước tiếp nhận đầu tư dẫn tới việc phải chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư.

7) Nhà đầu tư có văn bản đề nghị chấm dứt dự án đầu tư và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận.

 Hỗ trợ, giám sát nhà đầu tư ở nước ngoài ra nước ngoài

Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối phối hợp với các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam ở trong nước để: hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nước sở tại; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư ở nước ngoài; thông qua đường ngoại giao, đề xuất và kiến nghị chính quyền nước sở tại hỗ trợ, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài.

-Việc thanh tra, kiểm tra dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.