Thế nào là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng?

610

Câu hỏi: Vợ chồng tôi ký kết hợp đồng mua bán một lô hàng gồm 500 bộ bàn ghế gỗ với Công ty nội thất Hoa Sơn. Để đề phòng rủi ro xảy ra, tôi muốn hỏi đâu là những căn cứ để xác định có sự vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”.
Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên đều nhằm đạt được một mục đích nhất định thể hiện qua nghĩa vụ của bên kia. Một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chính là gây ảnh hưởng tới mục đích giao kết hợp đồng của bên kia và phải chịu những chế tài do pháp luật quy định hoặc chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng. Các căn cứ để áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng bao gồm:
– Có hành vi vi phạm hợp đồng.
Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ quan trọng để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Trong quan hệ hợp đồng, các bên không chỉ phải thực hiện những nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng mà còn có thể phải thực hiện những nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, khi xem xét hành vi có vi phạm không, cần phải căn cứ cả vào hợp đồng để xác định nghĩa vụ theo hợp đồng và quy định của pháp luật để xác định nghĩa vụ theo pháp luật.
– Có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra.
Thiệt hại vật chất thực tế do vi phạm hợp đồng mua bán gây ra là căn cứ bắt buộc phải có khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Đối với các hình thức khác, thiệt hại thực tế có thể được coi là tình tiết để xác định mức độ nặng hay nhẹ của chế tài. Thiệt hại thực tế bao gồm thiệt hại trực tiếp và gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là thiệt hại đã xảy ra trên thực tế và có thể định lượng, thiệt hại gián tiếp là thiệt hại phải dựa trên sự suy đoán khoa học để xác định, biểu hiện qua thu nhập thực tế bị giảm sút, khoản lợi đáng lẽ được hưởng mà bên có quyền lợi bị vi phạm phải chịu.
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế.
Về phương diện triết học, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế được xác định khi hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế có mối liên hệ tất yếu; hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
– Có lỗi của bên vi phạm.
Lỗi của bên vi phạm hợp đồng là căn cứ bắt buộc phải có để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Lỗi là trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của người đối với hành vi của họ và hậu quả của hành vi đó. Trừ trường hợp bên vi phạm chứng minh được mình không có lỗi, mọi hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng đều bị coi là có lỗi (vô ý hoặc cố ý). Bên bị vi phạm không có trách nhiệm chứng minh lỗi của bên vi phạm.