Tặng cho bất động sản nhưng chưa sang tên có đòi lại được không?

453

Câu hỏi: Ông X có 04 người con. Các con của ông đều trưởng thành, ra ở riêng và ông ở với người con út. Khi người con út cùng vợ đi làm ăn xa thì vợ chồng ông X được anh Y là cháu nội (con của người con cả) nuôi dưỡng. Khi người con út trở về thì họp gia đình ông X có nói cho anh Y 1 mảnh đất 160m2 trước sự chứng kiến và đồng ý của các người con vào năm 2000. 7 năm sau ông X mất, không để lại di chúc và chưa sang tên mảnh đất cho anh Y. Người con út lén đi sang tên tất cả giấy tờ đứng tên ông X sang tên mình trong đó có mảnh đất của ông X cho anh Y. Do những người con khác đều ra riêng và anh Y nghĩ đất của ông nội cho thì cứ ở nên không ai quan tâm đất đứng tên ai. Nay, sau khi giá đất tăng mạnh và cần tiền nên người con út đòi lại phần đất anh Y đang ở với lý do ngày xưa bố ông chỉ cho anh Y ở tạm và đất đang đứng tên ông là của ông. Yêu cầu anh Y sau 1 tháng cả nhà phải dời đi nơi khác nếu không sẽ kiện anh Y ra tòa. Anh Y có nhờ các chú và các cô làm chứng cho mình về việc ngày xưa ông nội cho anh Y mảnh đất nhưng không ai dám đứng ra làm chứng do sợ đứa em út có máu côn đồ của mình kể cả vợ ông X đang ở chung với người con út cũng không đứng về phía cháu. Xin hỏi: anh Y có thể lấy được mảnh đất mà ông nội đã cho mình hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật, thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền hưởng thừa kế bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Ông X mất đi không để lại di chúc nên di sản mà ông X để lại sẽ được chia theo pháp luật. Việc bạn nói người con út sau 7 năm khi ông X mất đã xin cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì điều này là không hợp lý. Bởi vì nếu muốn được xin cấp giấy chứng nhận thì chỉ khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

– Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có văn bản xin từ chối nhận di sản thừa kế. Trường hợp đã từ chối thì những người này sẽ mất quyền thừa kế, và người thừa kế duy nhất còn lại là người con út thì người này sẽ có quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do là người thừa kế duy nhất.

– Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thỏa thuận và đồng ý cho người con út đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này thì những người trong hàng thừa kế sẽ vẫn bảo lưu được quyền thừa kế, việc đứng tên một người thường nhằm mục tích tạo thuận lợi về mặt thủ tục nếu có nhu cầu chuyển nhượng, tặng cho…mảnh đất này.

Nếu không rơi vào hai trường hợp kể trên mà người con út vẫn xin cấp được giấy chứng nhận thì có thể là cấp giấy chứng nhận trái quy định của pháp luật. Nếu cấp sai quy định thì những người trong hàng thừa kế thứ nhất hoàn toàn có quyền khởi kiện vấn đề này ra Tòa án nhân dân yêu cầu thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, đồng thời yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật. Việc anh Y được ông X tặng cho mảnh đất bằng miệng và có sự đồng ý làm chứng của các con thì việc này không có phát sinh hiệu lực vì khi chuyển nhượng thì buộc phải lập thành văn bản, có công chứng và tại thời điểm tặng cho chưa sang tên thì hợp đồng tặng cho chưa hoàn thành.