Những vấn đề pháp lý của hợp đồng đào tạo nghề

446

Câu hỏi: Tôi là Linh. Hiện tại tôi đang chưa nắm rõ về luật quy định thời gian được ký hợp đồng đào tạo đối với người lao động vào làm trong công ty và ký hợp đồng đào tạo trước khi ký hợp đồng thử việc. Tôi chưa rõ chỗ:

1. Thời gian công ty được phép ký hợp đồng đào tạo với 1 người lao động là thời gian quy định như thế nào bao lâu?

2. Hợp đồng đào tạo được ký với 1 người lao động nhiều nhất được bao nhiêu lần?

3. Những đối tượng nào thì được phép ký hợp đồng đào tạo?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trước hết, bạn cần phân biệt rõ chủ thể tham gia ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong quá trình làm việc và hợp đồng đào tạo nghề trước khi ký hợp đồng lao động. Đối với hợp đồng đào tạo nghề trong qúa trình làm việc thì chủ thể ký kết hợp đồng đào tạo nghề này là người sử dụng lao động và người lao động (người đã được ký hợp đồng lao động), còn đối với hợp đồng đào tạo nghề trước khi ký kết hợp đồng lao động thì chủ thể tham gia ký kết là người sử dụng lao động và người học nghề, tập nghề. Đối với từng chủ thể cùng người sử dụng lao động ký kết hợp đồng đào tạo thì họ sẽ được hưỡng những quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ khác nhau. Trường hợp của bạn, bạn cần làm rõ các vấn đề liên quan đến hợp đồng đào tạo nghề của người lao động ký kết với người sử dụng lao động. Cụ thể:

Thứ nhất, thời gian công ty được ký hợp đồng đào tạo với người lao động được quy định như thế nào?

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Bộ luật lao động năm 2012 về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề thì:

“Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

c) Chi phí đào tạo;

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài”.

Theo như quy định trên thì hợp đồng đào tạo là sự thỏa thuận về những điều khoản liên quan đến đào tạo của người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, thời hạn đào tạo là một trong những điều khoản do các bên thỏa thuận, việc đào tạo sẽ kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Hiện nay, pháp luật chưa giới hạn về thời gian đào tạo trong hợp đồng đào tạo giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ hai, hợp đồng đào tạo được ký với người lao động tối đa là bao nhiêu lần?

Hợp đồng đào tạo là hợp đồng được ký kết khi người lao động và người sử dụng lao động có nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp hoặc đào tạo lại để phục vụ nhu cầu cho công việc nên khi có nhu cầu đào tạo và có sự đồng thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thì có thể tiến hành ký kết hợp đồng đào tạo. Do vậy, số lần ký kết hợp đồng đào tạo giữa người sử dụng lao động và người lao động phụ thuộc vào nhu cầu thực tế và sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ ba, đối tượng được ký hợp đồng đào tạo nghề

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Bộ Luật Lao động năm 2012 thì:

“1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản”.

Và Khoản 1 Điều 62 Bộ Luật Lao động năm 2012:

“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản”.

Như vậy, đối tượng được phép ký kết hợp đồng đào tạo bao gồm: người lao động theo hợp đồng lao động, người học nghề, tập nghề khi có nhu cầu về đào tạo nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp để phục vụ cho quá trình làm việc.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch công ty luật SBLAW trao đổi về Luật DN và luật Đầu tư 2014 sau 1 tháng triển khai trong chương trình luật sư của doanh nghiệp trên kênh thị trường kinh tế tài chính VITV. Mời quý vị đón xem: