Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn báo Công Lý thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

417

Trong vòng bán kết 4 Vietnam’s Got Talent được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 tối 11/1, thí sinh Trần Tấn Phát đã uống nhầm ly axit khi thực hiện phần thi ảo thuật của mình.

Sau khi sự cố xảy ra, đại diện ban tổ chức chương trình xác nhận với báo giới rằng đúng là thí sinh Tấn Phát đã uống nhầm ly chứa axit trong tiết mục của mình, nhưng rất may là anh chỉ bị bỏng nhẹ ở môi vì loại axit Tấn Phát uống nhầm chỉ là axit nhẹ, không quá nguy hiểm.

Trong vụ việc này, phóng viên Báo Công lý có phần phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Chủ tịch SBLaw

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật SBLAW

Câu hỏi 1: Trong tình huống này, đặt giả thiết nếu thí sinh bị chết hoặc bị ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong vụ việc này, nếu thí sinh bị chết hoặc bị ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe thì cần phải căn cứ vào các tài liệu sau để biết được ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng:

– Căn cứ vào quy chế của cuộc thi trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của ban tổ chức, quyền và nghĩa vụ của thí sinh.

– Căn cứ vào Văn bản thỏa thuận giữa thí sinh và ban tổ chức.

Hiện thời, tôi không có các văn bản này trong tay vì vậy không biết rõ nội dung thỏa thuận giữa 2 bên.

Tuy nhiên, nếu để xảy ra hậu quả xấu, ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe của thí sinh thì ban tổ chức cũng có thể phải liên đới chịu trách nhiệm về dân sự.

Câu hỏi 2: Trước khi diễn ra cuộc thi, giữa ban tổ chức chương trình và thí sinh có ký với nhau 1 bản cam kết rằng, thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về phần thi của mình. Theo luật pháp Việt Nam thì cam kết như vậy có đúng không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thỏa thuận giữa Ban tổ chức và thí sinh thực chất là một giao dịch dân sự giữa các bên.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, một giao dịch dân sự hợp pháp là giao dịch được giao kết trên cơ sở tự nguyện, nội dung và mục đích của giao dịch không trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và pháp luật, người thực hiện giao kết có năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp này, ban tổ chức chương trình và thí sinh có ký với nhau 1 bản cam kết rằng, thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về phần thi của mình, theo quan điểm của tôi, thỏa thuận này là phù hợp với quy định của pháp luật dân sự vì thí sinh là người có năng lực dân sự, đã hiểu những tiêu chí của chương trình, tự nguyên tham gia chương trình thì sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Câu hỏi 3: Luật của chương trình là bất kỳ ai tham gia chương trình cũng có thể tham gia, không giới hạn về độ tuổi và thành phần. Theo anh, giữa luật của chương trình đề ra và luật pháp khác nhau như thế nào? Và, chương trình đề ra có gì trái với luật pháp không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Về chủ thể tham gia chương trình, không giới hạn độ tuổi và thành phần thì chúng ta cần có văn bản là quy chế của chương trình thì chúng ta mới biết được là quy định nêu trên của chương trình có đúng với pháp luật hay không?

Tuy nhiên, đối với những người mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa thành niên, nếu họ tham gia chương trình, phải được sự đồng ý của người giám hộ của người đó đồng ý cho tham gia, nếu không có sự đồng ý của người giam hộ như là cha mẹ đối với người chưa thành niên thì điều đó là không đúng với quy định của luật hiện hành.

Câu hỏi 4: Ban tổ chức chương trình biết rằng đây là một tiết mục vô cùng nguy hiểm mà vẫn để thí sinh thực hiện? Theo anh, làm như vậy có phạm luật không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quan điểm của tôi, nếu biết đây là một chương trình hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe của thí sinh thì Ban tổ chức không nên lựa chọn cho biểu diễn.

Cũng cần lưu ý rằng, hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, theo tôi được biết, chưa có bất kỳ một văn bản nào điều chỉnh về hoạt động mua bản quyền các chương trình (format) của nước ngoài và việt hóa, phát trên truyền hình Việt Nam, vì vậy, những vấn đề phát sinh như tình huống nêu trên là chưa có văn bản hướng dẫn.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần ban hành một văn bản pháp lý nhằm điều chỉnh các hoạt động nêu trên trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, thí sinh, ban tổ chức và các bên liên quan.

Câu hỏi 5: Rõ ràng đây là một hình thức giật gân, câu khách, theo luật pháp Việt Nam thì có bị xử phạt không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc kết luận một chương trình là giật gân, câu khách cần có hoạt động thẩm định và thanh tra của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra chuyên ngành văn hóa.

Nếu cơ quan thanh tra sau khi xem xét vụ việc, nếu có kết luận là vi phạm pháp luật có thể áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, cụ thể là áp dụng Nghị định 58/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cơ quan thanh tra sẽ căn cứ vào mức độ, tính chất và hành vi để đưa ra quyết định xử phạt hành chính và các biện pháp bổ sung.