GIẾT NGƯỜI TRONG TÌNH TRẠNG ẢO GIÁC SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

425
Nguồn Internet

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội trong chương trình Hiểu đúng – Làm đúng về tình huống Giết người trong tình trạng ảo giác. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống: Anh Trọng, anh Tài với anh Thắng đều là những thanh niên lêu lổng. Trong 1 lần tụ tập hút ma túy tập thể, anh Trọng đã bị ảo giác nên đã vô tình sát hại bạn chơi ma túy bằng tỏi. Sau khi anh Trọng bị bắt lên đồn, chị Hoa – chị của anh Trọng đã tìm đến luật sư xin tư vấn.

Luật sư tư vấn:

Theo như chị trình bày thì anh Trọng đã cùng chị Thu và một số đối tượng khác (anh Tài, anh Thắng) sử dụng ma túy. Sau đó, do có ảo giác “ngáo đá”, anh Trọng đã cho tỏi vào miệng chị Thu dẫn tới bịt đường hô hấp làm nạn nhân tử vong.

Nguyên nhân chết và cơ chế hình thành vết thương gây tử vong sẽ được cơ quan chuyên môn pháp y, tử thi giám định để làm căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong những tình huống như thế này thì có có 2 tội danh có thể đặt ra, thứ nhất có thể là Tội Giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015) với lỗi gián tiếp hoặc có thể là tội Vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015). Cụ thể:

Điều 123. Tội giết người

1.Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

…………………………………………

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Hai tội danh này khác nhau. Trước hết khác nhau ở mức hình phạt, tội Vô ý làm chết người khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm, tội Giết người có khung hình phạt lên đến tử hình.

Yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội này cũng rất khác nhau. Đối với tội Giết người thì hành vi phải là lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp.

Cố ý trực tiếp là biết hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Còn cố ý gián tiếp là biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ấy và bỏ mặc cho hậu quả chết người đó xảy ra.

Lỗi vô ý làm chết người thể hiện không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, không tưởng tượng được hậu quả chết người xảy ra.

Nếu cơ quan điều tra chứng minh được là anh Trọng biết hành vi nhét củ tỏi ấy, trong tư thế ấy và con người ấy mà có thể dẫn đến chết người, nhưng cứ nhét vào bỏ mặc hậu quả, chết cũng được không chết cũng được thì chắc chắn khởi tố được tội danh Giết người với lỗi cố ý gián tiếp.

Còn trong trường hợp nhận thức của đối tượng không thể dẫn đến chết người được và hành vi đấy cũng không có mục đích mong muốn hậu quả chết người nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra. Ở đây lỗi này là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả, thì sẽ bị khởi tố tội danh Vô ý làm chết người.

Ngáo đá có phải là tình tiết giảm nhẹ không?

Dưới góc độ luật pháp, việc người sử dụng ma túy gây các tội ác trong tình trạng loạn thần nặng nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được tác hại khi sử dụng các chất kích thích sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát hành vi nên khi hậu quả xảy ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 13 BLHS năm 2015 đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và “ngáo đá” cũng không ngoại lệ.

Theo như chị trình bày thì anh Thắng là người rủ rê anh Trọng, anh Tài, chị Thu sử dụng ma túy. Do đó, cần thiết phải làm rõ hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của anh Thắng để xử lý theo quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015.

Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

d) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong chuyên mục Hiểu đúng làm đúng kênh truyền hình quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà sẽ tư vấn cho khán giả về việc xử lý hành vi đe doạ giết người theo pháp luật Việt Nam.

Mời Quý vị đón xem tại đây: