Giải pháp để phòng ngừa thiệt hại do doanh nghiệp FDI bỏ trốn

364

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên báo Diễn đàn doanh nghiệp về các vụ việc doanh nghiệp FDI bỏ trốn trong thơi gian gần đây. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Hiện nay, có nhiều vụ việc doanh nghiệp FDI bỏ trốn, ví dụ như Công ty KL Texwell Vina ở Đồng Nai đã rời bỏ Việt Nam bỏ lại khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng và hàng ngàn người thất nghiệp. Một trong những lý do được chỉ ra đó là thiếu lỗ hổng pháp lý và cụ thể là pháp luật chưa có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp FDI khi vắng chủ. xin ông cho biết, ý kiến của mình liên quan đến nội dung này?

Trả lời:

Những chuyện lùm xùm gần đây ở Công ty KL Texwell Vina lại một lần nữa khiến dư luận sốt ruột trước tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI lặng lẽ bỏ đi, để lại nhiều khoản nợ lớn, người lao động mất việc. Câu chuyện quản lý, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp FDI lại được đặt ra.

Các doanh nghiệp FDI vắng chủ thường có quy mô vốn đầu tư nhỏ, dưới 500.000 USD, phần lớn đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và hiện diện ở tất cả các lĩnh vực, từ thương mại, dịch vụ, bất động sản, xây dựng, phầm mềm, nhà hàng hay trong sản xuất.

Tuy nhiên, khi xử lý thực tế doanh nghiệp FDI vắng chủ, cơ quan chức năng lại đang rất lúng túng do không có quy định rõ ràng và đầy đủ. Theo nhận xét của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là bởi pháp luật hiện hành chưa có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với doanh nghiệp FDI vắng chủ.

Điều 65 Luật Đầu tư năm 2014 chỉ quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện. Do vậy cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng không có căn cứ pháp lý để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Sau khi Luật Đầu tư 2014 ra đời, cơ sở pháp lý cho việc xử lý các dự án FDI vắng chủ đã có, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại chưa thể giải quyết được như chủ đầu tư bỏ về nước không liên lạc được, tài sản chưa xử lý xong, nợ tiền lương người lao động, nợ tiền thuế, bảo hiểm xã hội…

Theo Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ khác. Như vậy khi doanh nghiệp FDI vắng chủ có nghĩa là doanh nghiệp đã triển khai hoạt động, đã phát sinh các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác nên không đáp ứng điều kiện để thực hiện giải thể.

Thêm nữa, việc giải quyết tranh chấp với người lao động và các khoản công nợ khác gặp đầy rẫy khó khăn tại cơ quan trọng tài hoặc tòa án. Nguyên nhân là do các cơ quan pháp luật này chỉ giải quyết tranh chấp khi có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa doanh nghiệp và chủ nợ về giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Nhưng ở đây, người đã biệt dạng nên không thể giải quyết được tại cơ quan trọng tài.

Người lao động cũng không thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án vì không xác định được địa chỉ của bị đơn. Đó là chưa kể không ít trường hợp tòa án quyết định không thụ lý hồ sơ bởi không có báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán hợp lệ.

Giải pháp nào để xử lý tình trạng này?

Để phòng ngừa thiệt hại do doanh nghiệp FDI bỏ trốn, theo tôi, trước hết cần phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh hơn, cụ thể hơn vì đây là vấn đề lâu dài. Đồng thời, cần tập trung hậu kiểm hơn tiền kiểm. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cần định kỳ cung cấp thông tin về doanh nghiệp để thiết lập lịch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân loại rõ ràng theo các nhóm như: đang xây dựng, đang hoạt động tốt (nộp thuế, có nhiều lao động, có báo cáo định kỳ…), loại có vấn đề cần quan tâm (nợ thuế, chậm lương…). Cần theo sát hoạt động của các loại doanh nghiệp này.

Ngoài ra, khi đã có hiện tượng bỏ trốn, các cơ quan chức năng cần quyết liệt liên hệ với chính quyền nơi chủ doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào VN (vốn đã được thẩm định hoặc xem xét đến tính hợp lệ trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) để truy tìm chủ doanh nghiệp bỏ trốn… Bản thân người lao động, doanh nghiệp VN cũng cần cảnh giác trước các dấu hiệu kể trên.

Chúng ta không thể phủ nhận các doanh nghiệp FDI đang là một động lực còn đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Nhưng không vì thế chúng ta xem nhẹ việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý chặt dòng vốn đầu tư này.