Đặc điểm của Công ty TNHH hai thành viên trở lên

399

Câu hỏi: Tôi là Hiếu. Tôi đang là một người kinh doanh với mô hình hộ kinh doanh. Tuy nhiên, do muốn mở rộng quy mô sản xuất nên tôi đã rủ một người bạn cùng chung vốn thành lập công ty. Nhưng tôi chưa biết nên chọn loại hình doanh nghiệp nào? Qúy công ty tư vấn giúp tôi.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn có rủ một người bạn cùng chung vốn, trong trường hợp này bạn nên thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có những đặc trưng pháp lý nhất định được quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014. Loại hình doanh nghiệp này, có những đặc điểm, cơ cấu tổ chức và quản lý như sau:

Thứ nhất, về đặc điểm:

– Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân;

– Có từ hai thành viên trở lên nhưng không quá 50 thành viên trong suốt quá trình hoạt động;

– Công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng tài sản của mình. Thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty;

– Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy trình nhất định của pháp luật

– Công ty TNHH hai thành viên trở lên, không có quyền được phát hành cổ phần.

Thứ hai, về tổ chức và quản lý:

Công ty TNHH hai thành viên trở lên gồm:

+ Hội đồng thành viên;

+ Chủ tịch Hội đồng thành viên;

+ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và

+ Ban kiểm soát (khi doanh nghiệp thành lập có từ 11 thành viên trở lên).

Cụ thể như sau:

– Hội đồng thành viên được quy định tại điều 56 Luật Doanh nghiệp 2014, Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thành viên là tổ chức sẽ chỉ định người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên. Quyền và nghĩa vụ của các thành viên được quy định tại khoản 2 điều này.

– Chủ tịch Hội đồng thành viên được quy định tại điều 57 Luật Doanh nghiệp 2014, Chủ tịch Hội đồng thành viên được Hội đồng thành viên bầu ra. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty. Chủ tịch Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 điều 57 Luật Doanh nghiệp 2014. CHủ tịch Hội đồng thành viên có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định trong điều lệ. Nhiệm kỳ của chủ tịch Hội đồng thành viên không quá 05 năm, và được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trong trường hợp, Chủ tịch Hội đồng thành viên không có văn bản ủy quyền thì một trong số thành viên còn lại bầu một trong số các thành viên tạm thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.

– Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc: là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình. Giám đốc hoặc tổng Giám đốc phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại điều 65 Luật Doanh nghiệp 2014.

– Ban Kiểm soát là cơ quan thay mặt các thành viên kiểm soát các hoạt động của công ty. Theo quy định tại điều 55 Luật doanh nghiệp 2015 thì công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị của công ty. Quyền và nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ của Bản kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

Thứ ba, vốn của công ty:

– Theo quy định của pháp luật hiện thành thì vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên do các thành viên đóng góp. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp. Khi thành viên góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp tương ứng với giá trị phần vốn góp đã góp. Trường hợp sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn còn thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ thì doanh nghiệp sẽ xử lý như sau:

+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên;

+ thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

+ phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên. Và phải đăng ký điều chỉnh vốn góp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn theo quy định của pháp luật.