Tư vấn thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án PPP

400

Câu hỏi: Tôi là Hùng. Nay bên tôi muốn đăng ký đầu tư đối với dự án PPP thì phải làm những thủ tục gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) là một hình thức đầu tư khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là các dự án liên quan đến công trình cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng cũng như một bên chủ thể tham gia hợp đồng là Nhà Nước nên thủ tục và trình tự xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ có các điểm khác với thủ tục thông thường.

Thời điểm thực hiện: Sau khi đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt và các bên đã ký kết thỏa thuận đầu tư và hợp đồng dự án.

Hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được lập theo Mẫu số 1 Phụ lục II Thông tư 06/2016/TT-BKHĐT;
  • Thỏa thuận đầu tư theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, dự thảo hợp đồng dự án theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này và dự thảo các hợp đồng liên quan đến việc thực hiện dự án (nếu có);
  • Bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi;
  • Bản sao hợp lệ văn bản chấp thuận chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (nếu có);
  • Hợp đồng liên doanh giữa các nhà đầu tư và dự thảo Điều lệ doanh nghiệp dự án (nếu có);
  • Bản sao hợp lệ văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án của người có thẩm quyền.

Cơ quan cấp:

  • Các dự án quan trọng quốc gia; Các dự án mà Bộ, ngành hoặc cơ quan được ủy quyền của Bộ, ngành là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án; Các dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  • Đối với các dự án còn lại: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Dự án nhóm C: không cần thực hiện thủ tục này.

Số lượng bộ hồ sơ: 05 bộ, trong đó có 01 bộ gốc.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Trong 02 ngày làm việc, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư sẽ xem xét tính hợp lệ. Nếu xét thấy hồ sơ cần sửa đổi, Bộ sẽ ra văn bản yêu cầu sửa đổi và giải thích lý do. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ sẽ gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Trong vòng 07 ngày làm việc các cơ quan liên quan sẽ có ý kiến về các vấn đề được hỏi. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

Trong 02 ngày làm việc, Sở Kế Hoạch và Đầu tư sẽ xem xét tính hợp lệ. Nếu xét thấy hồ sơ cần sửa đổi, Sở sẽ ra văn bản yêu cầu sửa đổi và giải thích lý do. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở sẽ gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Trong vòng 07 ngày làm việc các cơ quan liên quan sẽ có ý kiến về các vấn đề được hỏi. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi về chủ đề: Điều kiện để một dự án đi vào hoạt động trên kênh InftoTV. Mời quý vị đón xem tại đây: