Trả lời báo: Việc thực hiện những dự án BT

578

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLaw đã có cuộc trao đổi với phóng viên của Báo Diễn đàn Doanh Nghiệp về vấn đề thực hiện dự án BT. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Phóng viên: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT.

Trước đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.

Vậy việc rà soát lại các hợp đồng dự án theo chỉ đạo trên sẽ đưa vào Nghị định ra sao và nếu phát hiện sai phạm thì có thể gọi là hồi tố các dự án sai phạm hay không, thưa ông?

Trả lời: Ban soạn thảo sẽ tiến hành đưa những nội dung cần rà soát như tên dự án, thời gian ký kết, chủ đầu tư, đối tượng được thanh toán cho hợp đồng BT, dự án được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu hay đấu thầu công khai và đặc biệt là nội dung, xem xét việc tại thời điểm ký kết hợp đồng BT, các bên có tuân thủ các quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, có dấu hiệu sai phạm và nâng khống giá trị của những hợp đồng hay không?

Phóng viên: Dự thảo Nghị định cũng cần xác định thời gian để tiến hành rà soát, cơ quan phối hợp để tiến hành rà soát và đặc biệt quan trọng là nếu phát hiện ra sai phạm, phương án xử lý những dự án này thế nào?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, việc này không phải là hồi tố đối với các dự án mà là hoạt động kiểm tra, rà soát lại các dự án đã thực hiện nhằm phát hiện ra các sai phạm, có biện pháp xử lý và khắc phục.

Quan trọng hơn nữa, kết quả rà soát để chỉ ra những bất cập, thiếu sót của pháp luật về BT, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này.

Xử lý những sai phạm cũng là góp phần thu hồi tài sản công, có tính răn đe cho những dự án và chủ đầu tư về sau, khi tiến hành hoạt động BT, không nên có lợi ích nhóm, cấu kết với chính quyền để có sai phạm.

 Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng cần rút kinh nghiệm để tránh thất thoát tài sản công.

Phóng viên: Nếu rà soát lại các dự án thì có thể rào soát lại toàn bộ các dự án liên quan đến việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư từ trước đến nay hay phải có giới hạn thời gian, quy mô dự án?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, việc tiến hành rà soát nên tiến hành ở tất cả các dự án, tránh tình trạng các chủ đầu tư thấy không công bằng khi có dự án của ông A bị rà soát, dự án ông B không bị, có thể dẫn tới tiêu cực trong việc đưa dự án của một số chủ đầu tư không phải tiến hành rà soát.

Tuy nhiên, việc tiến hành cần có lộ trình, nên tập trung vào các dự án nổi cộm, có dấu hiệu sai phạm trước và sau đó đến các dự án khác.

Việc tiến hành rà soát cũng nên có quy định thời gian cụ thể, tránh kéo dài, gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của chủ đầu tư. 

Phóng viên: Thủ tướng yêu cầu đối với trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT; Nếu phát hiện vi phạm thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Vấn đề ranh giới giữa chưa gây thất thoát tài sản nhà nước và đã gây thất thoát tài sản nhà nước cũng cần phải làm rõ. Bởi các tài sản công để thanh toán thường là đất, mà đất thì vẫn còn đó và hoàn toàn có thể thu hồi. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

Trả lời: Đây là một vấn đề tương đối khó, khái niệm chưa gây thất thoát và gây thất thoát, như chị nói, cần phải được định nghĩa rõ trong dự thảo Nghị định, làm rõ nội hàm này sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định một cách chính xác khi kết thúc việc thanh tra.

Đối với các chủ đầu tư có sai phạm, việc kết luận sẽ kéo theo những hệ quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là việc huỷ hợp đồng, thu hồi đất, vậy việc chủ đầu tư đã bỏ tiền ra để đầu tư dự án sẽ xử lý thế nào? Nhà nước có bồi hoàn không?

Tôi nghĩ, ngoài chế tài thu hồi dự án, ban soạn thảo nên mở một hướng nữa là với những dự án sai phạm nhỏ, cần tiến hành điều chỉnh hợp đồng theo hướng chủ đầu tư sẽ nhận được phần đất ít hơn so với hơp đồng đã ký.

Phóng viên: Để minh bạch việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT cần đưa ra giải pháp nào, thưa ông?

Trả lời: Hiện nay, khung pháp lý cho hoạt động PPP nói chung và BT nói riêng là rất thiếu và chưa hoàn thiện, vì vậy, trong thời gian tới, chính phủ và quốc hội tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong đó đặt yếu tố minh bạch, công khai, có sự giám sát của người dân, của cơ quan có thẩm quyền là một vấn đề mấu chốt.

Cần tổ chức việc đấu thầu công khai các dự án BT và cần xử lý nghiêm lợi ích nhóm, quân xanh quân đỏ trong đấu thầu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!a