Tài xế dùng tiền lẻ trả tiền trạm BOT có vi phạm pháp luật?

371

Câu hỏi: Tôi là Dũng, tôi là một tài xế lái xe đường dài. Qúy công ty cho tôi hỏi: Việc tài xế dùng tiền lẻ trả tiền trạm BOT có vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, các bạn biết gì về “BOT”?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Đây là một hình thức đầu tư ở tầm vĩ mô và dài hạn. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hình thức đầu tư các công trình giao thông theo dạng BOT đang phát triển với tốc độ chóng mặt, BOT có mặt ở hầu khắp có tuyến đường huyết mạch trên cả nước: Quốc lộ 1A, các tuyển đường liên tỉnh, …. Vì những dự án giao thông BOT đều là vốn của nhà đầu tư nên khi chạy xe trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông đều phải trả tiền. Và để thu tiền “lệ phí” của các phương tiện tham gia giao thông thì các chủ đầu tư sẽ xây những trạm thu phí – Cư dân vẫn gọi với cái tên “trạm thu phí BOT” hoặc “trạm BOT”.

Trạm thu phí là những trạm chốt được lập nên tại các tuyến đường thuộc dự án của nhà đầu tư BOT với chức năng thu phí đường bộ của các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Số tiền thu được từ người tham gia giao thông sẽ được dùng vào việc chi trả, bảo trì và nâng cấp các tuyến đường. Điều đó có nghĩa là người dân đang phải đóng tiền trên đầu phương tiện để giúp các nhà đầu tư kinh doanh các tuyến đường.

Thứ hai, sử dụng tiền lẻ trả tiền qua trạm BOT có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, việc thu phí đối với các phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông qua các trạm BOT được quy định trong văn bản luật về:

– Đối tượng chịu phí

– Mức phí

Có nghĩa là xe nào phải chịu phí? Chịu phí là bao nhiêu? được Luật điều chỉnh và quy định rõ ràng. Còn câu chuyện rằng “tài xế sử dụng tiền lẻ để trả tiền trạm thu phí” thì Luật không cấm.

Xét về mặt bản chất, việc trả phí tại Trạm BOT cũng là một giao dịch dân sự mà cụ thể trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong khi, Đồng (VNĐ) là đơn vị tiền tệ chính thức của Việt Nam, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Nó có ký hiệu là “đ”, mã quốc tế theo ISO 4217 là “VND”. Tiền giấy Việt Nam hiện nay được phát hành hiện nay với các mệnh giá: 200đ, 500đ, 1000đ, 2000đ, 5000đ, 10.000đ, 20.000đ, 50.000đ, 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ. Và đương nhiên, những đồng tiền này vẫn còn giá trị lưu hành theo pháp luật hiện nay.

Vì thế, xét ở góc độ pháp lý, việc tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm thu phí là không phạm luật.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà tư vấn về hành vi trả tiền lẻ của các tài xế tại các trạm BOT là có vi phạm pháp luật không?

Mời quý vị đón xem tại đây: