Quy định về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

392

Câu hỏi: Tôi là người quốc tịch Pháp nhưng gốc là người Việt Nam. Bố mẹ là người Việt sang Pháp sinh sống và làm ăn từ lâu. Trước khi sang Pháp, bố mẹ tôi có mua một căn nhà ở Việt Nam và đang cho cậu tôi là em của mẹ ở. Bố mẹ tôi đã mất được 1 năm, không để lại di chúc gì. Gần đây cậu tôi đã tự ý bán căn nhà đó. Cậu tôi cho rằng bố mẹ tôi mất thì nhà không có chủ nên có thể tự ý bán. Tôi muốn hỏi giờ tôi muốn kiện cậu tôi để đòi lại nhà có được không và nếu được thì phải gửi đơn đến Tòa án Việt Nam hay Pháp? Bố mẹ tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, con trai có được đòi tài sản của bố mẹ đã mất bị người khác bán không?

Căn cứ vào Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Căn nhà là bất động sản thuộc lãnh thổ Việt Nam và bố mẹ bạn mang quốc tịch Việt Nam nên vụ việc này sẽ do Luật Việt Nam điều chỉnh. Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn mất không để lại di chúc nên phần di sản thừa kế là căn nhà sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên tài sản thừa kế sẽ được chia cho bạn và những người cùng hàng thừa kế khác nếu có. Bạn có quyền sở hữu đối với căn nhà này nên bạn hoàn toàn có quyền kiện người cậu vì hành vi bán tài sản không thuộc sở hữu của mình.

Thứ hai, Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?

Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam trong giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:

“1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:

a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;

c) Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam …”.

Theo thông tin bạn cung cấp, căn nhà của bố mẹ bạn mà người cậu bán đi bất hợp pháp là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam nên vụ tranh chấp ngôi nhà này sẽ thuộc về thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Vì vậy, bạn cần gửi đơn khởi kiện ra Tòa án ở Việt Nam để yêu cầu giải quyết vụ việc.

Luật sư Trần Trung Kiên từ công ty luật SBLAW đã có phần chia sẻ những kiến thức quan trọng về khởi nghiệp trong khuôn khổ buổi đào tạo tại Topica Founder Institue. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: