QUY ĐỊNH MỚI VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA CỦA TỔ CHỨC KINH TẾ CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

402

Ngày 15/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy đinh chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị định 09”).

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP (“Nghị định 23”). Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý của Nghị định 09:

1. GỠ BỎ YÊU CẦU PHẢI XIN CẤP PHÉP QUYỀN XUẤT KHẨU, QUYỀN NHẬP KHẨU, QUYỀN PHÂN PHỐI BÁN BUÔN Trừ trường hợp thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu mỡ bôi trơn theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 của Nghị định 09, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không phải xin cấp giấy phép kinh doanh (“GPKD”) khi thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn.

2. MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG TỔ CHỨC PHẢI XIN CẤP GPKD VÀ GIẤY PHÉP LẬP CƠ SỞ BÁN LẺ (“GPLCSBL”), ĐỐI TƯỢNG HÀNG HÓA, DỊCH VỤ ĐƯỢC CẤP GPKD Nghị định 09 mở rộng đối tượng được cấp GPKD là nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hàng hóa, dịch vụ được cấp GPKD cho hàng hóa, dịch vụ chưa được cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ứng với mỗi trường hợp trên, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí nhất định. Thời hạn kinh doanh đối với các trường hợp này là 05 năm.

Ngoài ra, bên cạnh “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, Nghị định 09 quy định các tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2014 cũng phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục cấp GPKD, GPLCSBL nếu thuộc trường hợp phải xin cấp các giấy phép này theo quy định tại Nghị định 09, cụ thể đó là các tổ chức:

 Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 (tức tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh) nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên (điểm b khoản 1 Điều 23);

 Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên (điểm c khoản 1 Điều 23).

Tổ chức kinh tế có cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, sau khi nhận vốn góp trở thành tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư, cũng phải làm thủ tục cấp GPKD, GPLCSBL.

3. CHUYỂN THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP SANG SỞ CÔNG THƯƠNG

Theo Nghị định 09, cơ quan cấp GPKD, GPLCSBL là Sở Công thương thay vì UBND tỉnh như quy định của Nghị định 23. Đối với một số trường hợp cấp GPKD, Sở Công thương phải lấy ý kiến của Bộ Công thương, bộ quản lý ngành trước khi cấp. Đối với GPLCSBL, trong mọi trường hợp, Sở Công thương đều phải lấy ý kiến Bộ Công thương trước khi cấp, điều chỉnh.

4. MỞ RỘNG PHẠM VI THỰC HIỆN QUYỀN XUẤT KHẨU

Bên cạnh hàng hóa mua tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, Nghị định 09 cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu hàng hóa do tổ chức kinh tế đó đặt gia công tại Việt Nam khi đáp ứng những điều kiện nhất định.

5. LẬP CƠ SỞ BÁN LẺ THỨ NHẤT CŨNG PHẢI XIN GIẤY PHÉP

Khác với Nghị định 23, Nghị định 09 quy định dù là cơ sở bán lẻ thứ nhất, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải xin cấp giấy phép và phải đáp ứng được những điều kiện lập cơ sở bán lẻ. Nếu cơ sở bán lẻ thứ nhất này cùng tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có quyền đề nghị cấp GPKD đồng thời với cấp GPLCSBL thứ nhất. Đối với cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, điều kiện để không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) theo Nghị định 09 là cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500m2 , được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini.

6. THAY ĐỔI THỜI HẠN BÁO CÁO VÀ RÚT GỌN CHỈ CÒN MỘT MẪU BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG

Theo Nghị định 09, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo Mẫu số 13 tại Phụ lục kèm theo Nghị định trước ngày 31 tháng 01 (trước đây, hạn báo cáo là 30 tháng 1 và có 3 mẫu báo cáo riêng biệt).

7. BỔ SUNG QUYỀN TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG

Theo quy định tại Điều 44 Nghị định 09, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được tạm ngừng hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa trong thời hạn không quá 12 tháng với điều kiện phải tuân thủ quy định của pháp luật về tạm ngừng hoạt động kinh doanh và trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy xác nhận tạm ngừng hoạt động/tiếp tục hoạt động trước thời hạn của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải gửi bản sao giấy xác nhận này cho Sở Công thương./.