Nên thành lập văn phòng đại diện hay chi nhánh?

452

Câu hỏi: Công ty tôi là công ty TNHH ở Hà Nội, do nhu cầu phát triển thị trường, mở rộng phạm vi kinh doanh nên muốn thành lập thêm cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh để tiện cho việc giao dịch với đối tác phía Nam. Vậy cho tôi hỏi, công ty tôi nên thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện, hai cái này có gì khác nhau?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Để công ty bạn có thể lựa chọn được loại hình phù hợp với mục đích của mình, chúng tôi xin đưa ra một số đặc điểm của văn phòng đại diện và chi nhánh để bạn tham khảo như sau:

Văn phòng đại diện:

Tại khoản 2 Điều 45 Luật doanh nghiệp năm 204 quy định: “2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó”.

Như vậy:

– Văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh sinh lời mà được lập ra với chức năng là văn phòng liên lạc; thực hiện hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường và đối tác mới; văn phòng có thể tiến hành rà soát thị trường, phát hiện hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty, hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp đối thủ và đại diện công ty khiếu kiện về sự vi phạm nói trên…vv

– Văn phòng đại diện không có quyền tự nhân danh mình ký kết hợp đồng riêng. Việc ký kết hợp đồng của văn phòng đại diện thì phải theo ủy quyền của doanh nghiệp và đóng dấu doanh nghiệp đó.

– Về tài chính: Nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của văn phòng đại diện sẽ do doanh nghiệp chịu. Việc hạch toán của văn phòng đại diện cũng phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Chi nhánh:

Khoản 1 điều 45 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”.

Căn cứ vào quy định pháp luật có thể thấy:

– Chi nhánh được thực hiện các hoạt động có mục đích sinh lời trong phạm vi những ngành, nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, không phải bất cứ ngành, nghề nào được đăng ký bởi doanh nghiệp, chi nhánh cũng được phép hoạt động.

– Giám đốc chi nhánh không đương nhiên có thẩm quyền đại diện cho chi nhánh, mà quyền này chỉ phát sinh khi có sự ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có toàn quyền đối với mọi vấn đề liên quan đến chi nhánh. Bất cứ hoạt động kinh doanh nào chi nhánh muốn thực hiện cũng phải xin phép sự đồng ý từ phía doanh nghiệp.

– Chi nhánh không độc lập về tài chính đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của chi nhánh. Tuy nhiên, khác với văn phòng đại diện, Chi nhánh có thể hạch toán độc lập.

Từ những đặc điểm nêu trên, tùy thuộc vào mục tiêu hoạt động và nhu cầu của công ty mà công ty bạn có thể lựa chọn thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả tư vấn về vấn đề Cập nhật thông tin chi nhánh trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: