Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay không công chứng thì có làm sổ đỏ được không?

379

Câu hỏi:  Tôi là An. Tôi có mua lại một căn nhà của ông X vào đầu năm nay nhưng 2 bên chỉ làm giấy tờ viết tay chứ không đem đi công chứng, khi tôi đi sang tên thì cơ quan chức năng yêu cầu phải có hợp đồng công chứng nếu chỉ có giấy viết tay thì không được cấp sổ đỏ. Vậy tôi phải làm như thế nào? Có cần phải làm lại hợp đồng không?

Trả lời:

Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định như sau:

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên việc mua bán nhà phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, việc mua bán nhà bằng giấy tờ viết tay được xem như là hợp đồng bị vô hiệu về hình thức. Do đó, trong trường hợp này, bạn cần liên hệ với người chủ nhà cũ để thực hiện việc ký kết lại hợp đồng tại Văn phòng công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân xã nơi có đất.

Trong trường hợp phía chủ nhà cũ không hợp tác thì bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi có đất công nhận hiệu lực của văn bản mua bán viết tay theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 , cụ thể như sau:

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Như vậy, chỉ cần trước kia bạn hoặc cả bạn và ông X đã thực hiện được ít nhất 2/3 nghĩa vụ hợp đồng thì bạn có thể tự làm đơn yêu cầu tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng này. Sau khi có quyết định của tòa án thì bạn có thể tiếp tục thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ đứng tên mình theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cùng các chuyên gia pháp lý thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong chương trình kinh doanh và Pháp luật trên kênh VTV2. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: