Công ty nước ngoài có được quyền “sở hữu” 1 Resort ở VN hay không?

458

Câu hỏi: Bạn tôi có mở một Cty TNHH ở Singapore. Hiện nay, bạn tôi đang có ý định đầu tư kinh doanh vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Bạn tôi có hỏi Công ty của bạn tôi có được quyền “sở hữu” 1 Resort ở VN hay không, theo dạng đầu tư 100% vốn nước ngoài? Nếu được thì với những điều kiện gì? Và Cty đó có được quyền quản lý, điều hành mọi hoạt động của Resort đó không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 11 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:

  • Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
  • Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền kinh doanh các dịch vụ môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn bất động sản, quản lý bất động sản theo quy định của Luật này.

Mặt khác, Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:

1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định của pháp luật nêu trên, một tổ chức nước ngoài có thể được sở hữu Resort ở Việt Nam, nếu tổ chức này trực tiếp bỏ vốn thực hiện dự án thành lập khu nghỉ dưỡng và tuân thủ các điều kiện về việc xin cấp giấy phép tiến hành dự án, bao gồm các điều kiện về tư cách pháp lý về quyền sử dụng đất; năng lực tài chính; mục tiêu, quy mô và địa điểm thực hiện dự án đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án cam kết về bảo vệ môi trường, …

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu resort theo dạng đầu tư 100% vốn thì việc quản lý điều hành hoạt động của khu resort thuộc quyền của doanh nghiệp nước ngoài đó.

Thị trường bất động sản là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường khác như thị trường tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trường lao động…v..v.. góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước và quá trình xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn bền vững. Có thể nói, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2015 đã có nhiều thay đổi mang tính nền tảng, giải quyết được phần lớn các khúc mắc cho việc tham gia thị trường bất động sản của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ và khắc phục.

Mục Bạn và pháp luật tuần này, với sự tham gia của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SB Law sẽ cho quý vị và các bạn cái nhìn rõ hơn về vấn đề này: