Cơ quan Thi hành án lấy tài sản đang thế chấp để thi hành án có đúng theo quy định?

342

Câu hỏi: Tôi là Đức. Khoảng tháng 4/2014, tôi có vay tín dụng để đầu tư kinh doanh, và thực hiện thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng. Tháng 12/2017, do vướng vào một vụ kiện dân sự, tôi bị Tòa án buộc thi hành án số tiền là 700 triệu đồng, tuy nhiên, tôi không có đủ tiền để thanh toán, cơ quan Thi hành án đã kê biên diện tích đất tôi đang thế chấp tại Ngân hàng để thi hành án. Xin hỏi: Việc cơ quan Thi hành án lấy tài sản đang thế chấp để thi hành án có đúng theo quy định của pháp luật không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, cụ thể, thế chấp được hiểu là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên kia (bên nhận thế chấp) nhưng không giao ra tài sản.

Điều 318 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản thế chấp như sau:

“1. Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3.Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Theo đó, nếu đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, tài sản bảo đảm sẽ được xử lý thay cho nghĩa vụ bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được đảm bảo thì số tiền chênh lệch được trả lại cho bên có nghĩa vụ, ngược lại, trường hợp số tiền này nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì bên có nghĩa vụ thực hiện phần nghĩa vụ chưa thanh toán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm.

Vậy tài sản đang cầm cố, thế chấp có được kê biên để đảm bảo thi hành án hay không?

Thi hành án là việc người có phải thi hành án tự mình thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành, hoặc thực hiện theo yêu cầu của cơ quant hi hành án khi người được thi hành án – cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền và lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành, trong thời hạn luật định, yêu cầu cơ quant hi hành án tổ chức thi hành án có các biện pháp yêu cầu, hoặc cưỡng chế người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.

Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án dân sự chỉ được kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp để đảm bảo thi hành án nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự về việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp. Theo đó, chấp hành viên chỉ có quyền kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp của người phải thi hành án nếu đảm bảo đáp ứng 02 điều kiện sau:

  • Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án;
  • Tài sản đang cầm cố, thế chấp có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được đảm bảo và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Trường hợp kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên có nghĩa vụ thông báo ngay cho người nhận cầm cố, thế chấp. Và trường hợp xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, thế chấp tài sản sẽ được ưu tiên thanh toán sau khi trừ đi án phí của bản án, quyết định đó, và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, trường hợp đáp ứng đủ 02 điều kiện nêu trên, cơ quan thi hành án dân sự được quyền kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp để thi hành án, và chỉ cần thông báo cho bên nhận thế chấp mà không bắt buộc bên nhận thế chấp phải đồng ý mới được kê biên. Tuy nhiên, bên nhận thế chấp sẽ được ưu tiên thanh toán tiền gốc, lãi và các khoản tiền khác theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa bên nhận thế chấp và bên thế chấp.

Trong trường hợp của bạn, đối với quy định của pháp luật nêu trên, do tài sản còn lại của bạn (không bao gồm quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng) không đủ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Do đó, cơ quan thi hành án có quyền kê biên quyền sử dụng đất bạn đang thế chấp tại Ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án nếu giá trị quyền sử dụng đất đang thế chấp lớn hơn nghĩa vụ được đảm bảo đối với Ngân hàng và chi phí cưỡng chế thi hành án và phải thông báo cho bạn và Ngân hàng về việc kê biên tài sản đang thế chấp để thi hành án.

Trong chương trình phát thanh vị an ninh tổ quốc, phát sóng trên VOV1, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã phân tích về Nguyên nhân và giải pháp chống oan sai trong hoạt động tố tụng. Mời các bạn lắng nghe: