Có nên hợp pháp hóa mại dâm?

598

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về vấn đề: Có nên hợp pháp hóa mại dâm? Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Luật sư Hà có quan điểm như thế nào về việc hợp pháp hóa mại dâm?

Trả lời:

Việc đề xuất hợp thức hóa mại dâm đã xuất hiện nhiều năm trước đây, thậm chí lên đến bên lề một số kỳ họp Quốc hội. Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ sau khi đặt lên đặt xuống không biết bao nhiêu lần, thì mại dâm vẫn không được đánh giá một cách hợp lý vì tính “nhạy cảm” và thế là việc xem xét “hợp thức hóa mại dâm” lại được nhanh chóng bị quên lãng.

Mại dâm theo tôi nên được hợp pháp hóa, bởi hiện tượng này là một thực tế xã hội và đang thách thức mọi nỗ lực để kiểm soát.

  1. Hợp pháp hóa mại dâm sẽ mang lại những mặt tích cực và hệ lụy gì?

Trả lời:

Việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ tạo nên cơ chế bảo vệ cho người phụ nữ và xã hội ở một số mặt nhất định khi đặt ra các quy định, tiêu chuẩn về hành nghề mại dâm như có phải có giấy chứng nhận sức khỏe định kỳ, có bảo hiểm y tế bắt buộc, phải qua các lớp giáo dục về an toàn tình dục, … Đây sẽ là biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh tình dục hiệu quả hơn rất nhiều so với hiện nay.

Việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ đặt ra sự quản lý hiệu quả hơn đối với hoạt động mại dâm: có nhiều người lập luận “hợp thức hóa mại dâm sẽ gây ra khó khăn to lớn cho việc quản lý của nhà nước” tuy nhiên theo quan điểm cá nhân tôi là chưa thật hợp lý và thiếu cơ sở. Vì chúng ta đang có sự đánh đồng giữa việc thực hiện quản lý yếu kém hoặc “cố ý mập mờ” của lực lượng chức năng so với các “khó khăn thật sự” mà họ gặp phải khi triển khai quản lý một cách minh bạch và trách nhiệm, và thực tế khi có những quy định rõ ràng của pháp luật với những cơ chế cụ thể, một đội ngũ chức năng có trách nhiệm thì hoàn toàn có thể quản lý được, thậm chí là đạt hiệu quả rất cao.

Khi hợp pháp hóa mại dâm, Nhà nước sẽ có sự quản lý về nguồn thu, theo đó sẽ có được một khoản thu không nhỏ vào ngân sách và một phần trong đó sẽ quay lại hỗ trợ cho việc trang bị kiến thức, chăm sóc y tế, cũng như hỗ trợ “chuyển đổi nghề nghiệp” khi có nhu cầu, được bảo vệ các quyền chính đáng như một người “lao động chân chính” khi tham gia hoạt động mại dâm hợp pháp.

Mặc dù, chúng ta không phủ nhận bên cạnh những lợi ích lớn là những nguy cơ không hề nhỏ vẫn đang tiềm tàng khi “hợp thức hóa mại dâm”và thực tế có lẽ việc triển khai trên vẫn là “bất khả thi” khi hàng loạt các bộ luật lớn như Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các quy định pháp luật liên quan vẫn quy định mại dâm là đối tượng xử phạt của mình.

Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần thay đổi cách tư duy, thay vì “phòng, chống” một cách giáo điều, hình thức thì hãy thực hiện bằng cách “quản lý” để hạn chế các tác động tiêu cực.

  1. Nếu không hợp pháp hóa mại dâm thì cần có chính sách gì đối với những người hành nghề này? Ngược lại, nếu chấp nhận hợp pháp hóa thì những người hành nghề mại dâm cần phải có điều kiện gì?

Trả lời:

Nếu không hợp pháp hóa mại dâm thì theo tôi cơ quan nhà nước nên đặt ra những giải pháp nhằm giảm bớt kỳ thị xã hội đối người hành nghề mại dâm và tìm ra những con đường phù hợp để bảo vệ quyền hợp pháp của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực và phòng chống lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngược lại, nếu chấp nhận hợp pháp hóa thì những người hành nghề mại dâm cần phải có điều kiện đơn cử như: phải có giấy chứng nhận sức khỏe định kỳ, có bảo hiểm y tế bắt buộc, phải qua các lớp giáo dục về an toàn tình dục, …

Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Mời quý vị đón xem: