Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất dự án trên 1.200 tỷ mới được gọi vốn BOT

552
nguồn internet

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng do hợp đồng PPP thường là dài hạn với nhiều cam kết. Đồng thời, chi phí giao dịch của các dự án PPP khá cao nên cần quy định quy mô dự án tối thiểu để chọn những dự án trọng điểm đầu tư theo hình thức PPP tránh việc đầu tư dàn trải.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến người dân và chuyên gia: Phương án 1: Áp dụng quy mô dự án tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP. Theo đó, chỉ thực hiện với dự án từ 1.200 tỷ trở lên, hạn mức 1.200 tỷ này căn cứ hạn mức thấp nhất của các dự án nhóm A theo phân loại tại dự thảo Luật Đầu tư công hiện tại.

Phương án 2: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để áp dụng dự án PPP.

Trên cơ sở đưa ra hai phương án trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu ý kiến của người dân và chuyên gia để xây dựng Luật về hợp tác công tư PPP.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đã dành cho diễn đàn doanh nghiệp bài trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Ông có đánh giá như thế nào về 2 phương án này mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra?

Trả lời:

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định quy mô tối thiểu của dự án để thực hiện dự án theo hình thức PPP ở Canada là 100 triệu USD, Úc và Singapore là 50 triệu USD, Anh là 25 triệu USD, Nam Phi 1 triệu USD, … Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia không quy định hạn mức làm PPP như Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Philippines.

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa 02 phương án:

Phương án 1 áp dụng quy mô dự án tổi thiểu để đầu tư theo phương thức PPP từ 1.200 tỷ đồng trở lên.

Phương án 2, giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để áp dụng dự án PPP.

Cũng là căn cứ vào tình hình thực tế đó là chi phí giao dịch của các dự án PPP cũng khá cao, do đó nếu thực hiện PPP cho dự án nhỏ thì dẫn đến không hiệu quả. Do đó, phải quy định quy mô dự án tổi thiểu để đầu tư theo phương thức PPP từ 1.200 tỷ đồng trở lên để hấp dẫn nhà đầu tư.

Với phương án chỉ thực hiện với dự án từ 1.200 tỷ trở lên, hạn mức 1.200 tỷ này căn cứ hạn mức thấp nhất của các dự án nhóm A theo phân loại tại dự thảo Luật Đầu tư công hiện tại. Ông đánh giá như thế nào về phương án này, liệu mức này có quá cao, có thu hút được nhà đầu tư?

Trả lời:

Lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phương án này là do hạn mức 1.200 tỷ đồng là căn cứ hạn mức thấp nhất của các dự án nhóm A theo phân loại tại dự thảo Luật Đầu tư công hiện tại. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế cho thấy đa số các dự án BOT giao thông và dự án BOT điện trong thời gian qua đều có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng trở lên. Một số dự án trong lĩnh vực y tế đang được nghiên cứu để triển khai theo hình thức PPP như xây dựng bệnh viện đa khoa, bệnh viện sản nhi cũng có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng.

Thực tế quy định quy mô dự án nào mới được gọi vốn BOT, BT là cần thiết. Tuy nhiên theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần phải quy định chặt chẽ hơn về nguồn vốn hiện có doanh nghiệp đầu tư BT, BOT để tránh việc “mỡ nó rán nó”.

Nhưng nhiều người lo ngại, với quy định như vậy sẽ hạn chế khả năng tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, bởi trên thực tế, chúng ta không có quá nhiều doanh nghiệp tiềm lực để có thể tham gia vào lĩnh vực này, thưa ông?

Trả lời:

Thực tế cho thấy đa số các dự án BOT giao thông và dự án BOT điện trong thời gian qua đều có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng trở lên. Một số dự án trong lĩnh vực y tế đang được nghiên cứu để triển khai theo hình thức PPP như xây dựng bệnh viện đa khoa, bệnh viện sản nhi cũng có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, dự án sẽ có tính khả thi về mặt tài chính và hấp dẫn nhà đầu tư hơn khi có quy mô đủ lớn, xử lý tập trung (do có thể tận dụng sản phẩm sau xử lý rác – như điện, phân composite, vật liệu xây dựng, … để tăng nguồn thu cho nhà đầu tư).

Từ năm 2016 đến nay, gần như không có dự án BOT, một hình thức của PPP đường bộ mới nào được triển khai. Có vẻ như việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP vào lĩnh vực giao thông đang bị chững lại, thưa ông?

Trả lời:

Trên thực tế, hình thức BOT đối với Việt Nam còn khá mới, các quy định, khung pháp lý còn chưa hoàn thiện. Trong bối cảnh hạn hẹp về nguồn ngân sách nhà nước, nhu cầu đầu tư phát triển, chủ trương huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức PPP nói chung và BOT nói riêng đã được khẳng định là đúng đắn và vẫn sẽ phải triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.

Theo ông, dự thảo Luật PPP lần này nên được sửa đổi theo hướng nào để có thể khắc phục được những bất cập trên?

Trả lời:

Với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân là rất cần thiết. Do đó, như tôi đã trình bày ở trên, việc quy định quy mô dự án nào mới được gọi vốn BOT, BT là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cần phải quy định chặt chẽ hơn về nguồn vốn hiện có doanh nghiệp đầu tư BT, BOT. Quy định này sẽ góp phần thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khắc phục những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhất là tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn tín dụng tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức này.

Ông có cho rằng, các bất cập sẽ được khắc phục khi Luật PPP ra đời và áp dụng vào thực tế?

Trả lời:

Luật PPP ra đời sẽ tạo khung pháp lý dể khắc phục được các bất cập về chủ trương đầu tư, chính sách phí, lựa chọn nhà đầu tư, …đồng thời mang lại sự an tâm cho các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào các dự án.

Tuy nhiên, để Luật có thể đi vào thực tiễn một cách hiệu quả thì cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và công khai thông tin một cách hiệu quả hơn nữa, theo đó, mới có được sự đồng thuận hơn về một chủ trương lớn của Đảng, đồng thời cũng là giải pháp tất yếu trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay.